Tranh chấp giữa hai nhóm cổ đông tại Trường Đại học Hoa Sen hiện tại vẫn chưa có hồi kết. Trong khi đó, một loạt các thông tin trái chiều liên tục được đưa ra và gần đây nhất, bài viết khẳng định Trường Đại học Hoa Sen “là Đại học phi lợi nhuận không cần tranh cãi” đã khiến nhiều cổ đông, giảng viên của trường thật sự bức xúc.
Với quan điểm đang gây nhiều tranh cãi rằng Đại học Hoa Sen là đại học phi lợi nhuận hay theo lợi nhuận, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một người trong cuộc, ông Phù Văn Tuấn, cổ đông của Trường Đại học Hoa Sen xung quanh vấn đề này.
|
Ông Phù Văn Tuấn, cổ đông của Trường Đại học Hoa Sen |
“Phi lợi nhuận” – một… chiêu bài
- Phía khẳng định Trường Đại học Hoa Sen hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, lại có phía mổ xẻ đây là mô hình tư thục không thực sự phi lợi nhuận. Theo ông, liệu có thể lật lại vấn đề này cụ thể từ chính lịch sử hoạt động của Trường Đại học Hoa Sen?
Trường Đại học Hoa Sen từ ngày cổ phần hóa năm 2007 đến nay đã được 7 năm. Theo quy định về mô hình của trường Cao đẳng, Đại học Tư thục, Đại học Hoa Sen hoạt động như một doanh nghiệp được cổ phần bình thường. Các cổ đông nhận được cổ tức, cổ phiếu thưởng hằng năm công khai cho tất cả cổ đông. Chưa một cổ đông nào đã từ chối nhận cổ tức hay cổ phiếu của mình bao gồm cả những người đang khẳng định trường hoạt động phi lợi nhuận.
Chẳng hạn ở thời điểm cổ phần hoá, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen sở hữu 10.800 cổ phần tương đương 0,72%, sau 7 năm với nhiều đợt chia cổ tức, cổ phiếu thưởng và mua lại của các cổ đông khác đến nay bà Phượng đã sở hữu 338.614 cổ phần tương đương 4,71%. Vì lẽ đó có thể khẳng định mô hình này thực tế không phải là phi lợi nhuận.
Trong quá trình hoạt động, Trường Đại học Hoa Sen đã ban hành nhiều văn bản định hướng rõ mô hình theo lợi nhuận từ 2007 đến nay. Mô hình này cũng đã chứng minh được tính hiệu quả của nó khi huy động được sức lực, tâm huyết của nhiều người bao gồm giảng viên, nhân viên và các cổ đông đã tạo ra các giá trị hữu hình cũng như vô hình cho Đại học Hoa Sen.
- Vậy mâu thuẫn giữa hai nhóm cổ đông có thể hiểu không hẳn xuất phát từ quan điểm trường sẽ hoạt động theo lợi nhuận hay hoạt động phi lợi nhuận?
Vấn đề của trường Đại học Hoa Sen hiện nay không phải xuất phát từ vấn đề phi lợi nhuận hay không mà nó xuất phát từ khi các cổ đông bức xúc và yêu cầu làm rõ các sai phạm tại trường trong điều hành và quản lý đã bị Thanh tra xử phạt nhiểu lần trong tháng 4/2014 và thời gian gần đây nhất là đình chỉ tuyển sinh chương trình Vatel tại trường 12 tháng. Thay vì trả lời một cách minh bạch thì Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu lại quay sang vu khống các cổ đông đòi chia siêu lợi nhuận và thông cáo truyền thông rằng trường muốn trở thành trường phi lợi nhuận. Có phải chăng là Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu đang muốn che đậy những sai phạm của mình và tiếp tục đi từ sai phạm này đến sai phạm khác, coi thường pháp luật?
Theo tôi nghĩ, cái mục tiêu cuối cùng của giáo dục đào tạo nguồn lao động có năng lực phục vụ quốc gia, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Theo mô hình lợi nhuận, hay phi lợi nhuận chỉ là những phương thức để đạt mục tiêu đó mà thôi. Hơn nữa, trường Đại học Hoa Sen đang đi và sẽ tiếp tục theo mô hình nào sẽ do cổ đông quyết định chứ không thể do Hội đồng quản trị hay Ban giám hiệu tự quyết, hô hào, cam kết và quyết định thay cho cổ đông. Hội đồng quản trị hay Ban giám hiệu không thể che đậy các sai phạm, trách nhiệm trước công luận với chiêu bài phi lợi nhuận, đặc biệt khi họ là những người đã tham gia sâu đầu tư, điều hành trường Đại học Hoa Sen như một doanh nghiệp để thu lợi.
Điển hình có thể lấy ví dụ như Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cũng đồng thời là Giám đốc của một công ty được lập ra do Đại học Hoa Sen tham gia góp vốn, và công ty này hoạt động tuyển sinh đào tạo thay thế cho Hoa Sen trong khi không có chức năng tuyển sinh đào tạo. Hàng năm nguồn thu của công ty này đều bị báo cáo âm dẫn đến nguồn vốn của Hoa Sen dần dần thất thoát trong khi theo kết quả Thanh tra thì công ty này đã thu vượt học phí của sinh viên lên tới trên 1,5 tỷ đồng. Liệu có nhà giáo dục phi lợi nhuận nào, trong một môi trường đào tạo phi lợi nhuận nào lại ra quyết định thu vượt học phí của sinh viên hay không? Hẳn công luận sẽ công minh phán xét!
Sẽ là trường phi lợi nhuận, nếu…
- Tuy nhiên, nếu chiếu theo Luật Giáo dục Đại học 2013 thì có thể mức cổ tức mà các cổ đông Hoa Sen đã được hưởng xưa nay sẽ không còn “siêu cổ tức” nữa. Đây phải chăng cũng là “động cơ” khiến một nhóm cổ đông Đại học Hoa Sen muốn thay đổi để chi phối hoạt động của trường?
Các cổ đông chúng tôi khi đầu tư vào giáo dục đều mong muốn đóng góp cho giáo dục Việt Nam nói chung và trường Đại học Hoa Sen nói riêng. Tất nhiên đầu tư lĩnh vực giáo dục là một lĩnh vực đầu tư đặc thù và sẽ khác với đầu tư doanh nghiệp đại chúng nói chung. Song chính do sự đặc thù này mà giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung của Việt Nam, muốn thoát ra khỏi tình trạng phát triển chậm và thua xa nhiều nước trong khu vực, lại càng thu hút và được đầu tư nhiều.
Tôi nhớ trước đây, Việt Nam vẫn hạn chế việc các đại gia đầu tư và nông nghiệp vì lo lắng việc sở hữu một số lượng đất lớn. Ngày nay, Việt Nam dần dần khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và chính hạn hạn điền đã dễ thở hơn xưa rất nhiều. Trước đây, ngành Y tế cũng như ngành nông nghiệp, hạn chế các đại gia đầu tư vào ngành này vì lo lắng bệnh nhân có thể bị thu tiền quá mức mà không nhận được sự chăm sóc tương ứng. Tuy nhiên, ngày nay, Việt Nam đã không còn hạn chế đầu tư vào y tế với nhiều chính sách thông thoáng. Trong một cơ chế thị trường được kiểm soát tốt, các bệnh nhân hoàn toàn có nhiều lựa chọn cho mình bệnh viện phù hợp với mức viện phí vừa với khả năng tài chính và họ được chăm sóc tốt nhất.
Quay lại với giáo dục đại học, việc mở cửa ngành theo định hướng của Chính phủ từ rất sớm cho các nhà đầu tư là hợp lý và kịp thời. Chúng ta cũng thấy là sinh viên ngày nay có thể lựa chọn trường mình học phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Khi số lượng trường đại học là đủ lớn như hiện nay, thì sinh viên hoàn toàn tự do để chọn lựa. Không ai có thể ép họ học trường mà họ không muốn. Chính vì vậy, khi các nhà đầu tư bỏ một số tiền lớn vào một trường nào đó, chắc chắn là họ không bỏ tiền để chiếm đoạt rồi đập bỏ nó.
Trái lại, họ sẽ đầu tư nhiều công sức, tài chính để bảo đảm thu hút sinh viên vào học. Trong trường hợp của trường Đại học Hoa Sen, tôi có dịp gặp nhiều cổ đông, phần lớn họ đều là giảng viên, nhân viên của trường, họ đều không mong mỏi vào lợi nhuận thật lớn mà họ thành tâm mong có một trường đại học vững mạnh và trong sạch.
Nhìn thoáng qua các hoạt động của trường Đại học Hoa Sen, trường cần tập trung vào cơ sở vật chất, cần đầu tư một khuôn viên (campus) lớn, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo viên – nhân viên, cần nâng cao chất lượng đào tạo nhất là các ngành cơ bản cần đầu tư lớn trong tương lại. Chúng ta nhận được gì từ sinh viên phải trả lại cho sinh viên xứng đáng với những gì họ được hưởng.
Xin đừng xúc phạm những nhà đầu tư tâm huyết cho giáo dục như chúng tôi. Không phải chỉ có những người làm giáo dục mới tâm huyết cho giáo dục!
- Cuối cùng theo ông, các cổ đông mong muốn mô hình hoạt động nào với Hoa Sen?
Chúng tôi những người mong muốn đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục Việt Nam mong muốn Đại học Hoa Sen phải là một trường Đại học quốc tế của người Việt, từ cơ sở vật chất, đến đội ngũ giảng viên, chương trình học thuật, liên kết với các nước trên thế giới và hệ thống quản lý chuyên nghiệp. Cụ thể mô hình nào thích hợp sẽ do Đại hội cổ đông Hoa Sen quyết định, chứ không một cá nhân nào quyết định được. Tôi chỉ là 1 cổ đông nên tôi không thể thay lời cho 160 cổ đông để quyết định. Luật đã quy định thì chúng ta phải tôn trọng luật.
-Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ.
Khẳng định Đại học Hoa Sen không phải là Đại học phi lợi nhuận
Chưa một cổ đông nào đã từ chối nhận cổ tức hay cổ phiếu của mình bao gồm cả những người đang khẳng định trường hoạt động phi lợi nhuận. Chẳng hạn ở thời điểm cổ phần hoá, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen sở hữu 10.800 cổ phần tương đương 0,72%, sau 7 năm với nhiều đợt chia cổ tức, cổ phiếu thưởng và mua lại của các cổ đông khác đến nay bà Phượng đã sở hữu 338.614 cổ phần tương đương 4,71%. Vì lẽ đó có thể khẳng định mô hình này thực tế không phải là phi lợi nhuận .