Liên hệ Zalo

Zalo

Liên hệ tư vấn

call
banner
banner
icon next
icon prev

Tin tức

Theo Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: 'Thất nghiệp 1,84% là lạc quan tếu, không thực tế

"
 
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng thống kê tỷ lệ thất nghiệp rất quan trọng trong hoạch định chính sách kinh tế xã hội, "ngồi máy lạnh đưa ra con số phi thực tế là không được".

- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố bản tin cập nhật thị trường lao động số 3 năm 2014. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua. Bà đánh giá thế nào về con số này?

- Không biết người ta tính toán như thế nào, định nghĩa thế nào là thất nghiệp. Nhưng nhìn thực tế trong cuộc sống thấy rất nhiều người thất nghiệp. Lúc nào trên đường phố, quán xá cũng đầy người. Nếu người ta có việc làm thì phải ở trong cơ quan, công sở, nhà máy. Nếu tỷ lệ thất nghiệp thấp như ngành Lao động công bố thì người ngồi la cà quán xá, đi đường trong giờ hành chính chắc không đông đến thế.

Tỷ lệ thất nghiệp 1,84% các nước phát triển còn nằm mơ, huống chi Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Các cơ quan nhà nước thì rất khó vào vì thắt chặt biên chế, doanh nghiệp đang trong gia đoạn khó khăn, khu công nghệ cao thì không cần nhiều lao động.

Tôi nhìn con cháu mình học hành ra trường không có việc làm, nhờ vả xin chỗ này chỗ kia cũng thấy nhức nhối lắm. Tỷ lệ thất nghiệp thấp như thế mọi người sẽ thấy là không khoa học và rất phi thực tế. Đưa ra một con số mà mọi người thấy buồn cười là tự mình làm xấu mình.

\"cucthue-8784-1410317973.jpg\"

Hàng nghìn thí sinh chen chân nộp hồ sơ dự tuyển vào Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Minh Minh.

- Tỷ lệ thất nghiệp phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Nếu đánh giá không chính xác sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạch định các chính sách vĩ mô? 

- Khi ban hành chính sách kinh tế xã hội, các cơ quan liên quan rất cần những con số chính xác. Ví dụ để ra chỉ tiêu tạo việc làm cho bao nhiêu lao động trong một năm, họ cần số liệu lượng người thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp thời điểm đó.

Điều tra rồi đưa ra chỉ tiêu phải có tính chính xác, khách quan thực tế. Chứ nếu cứ ngồi trong máy lạnh mà tính toán đưa ra các con số phi thực tế là không được. Như thế là tự lừa dối, lạc quan tếu và lớn lên theo kiểu bong bóng xà phòng chứ không phải bằng sức mạnh thực sự của mình.

- Ngành lao động nói số liệu được lấy từ Tổng cục Thống kê, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về tính xác thực?

- Ngành lao động lấy số liệu từ Tổng cục Thống kê là bình thường vì đó là cơ quan thống kê của nhà nước. Nhưng nếu chỉ dựa vào số liệu ở đó để đưa ra báo cáo thì không cần lập ra ngành lao động làm gì. Sinh ra ngành lao động để quản lý lao động, quản lý mà dựa vào con số của người khác là sao. Trong khi ngành lao động có cả một hệ thống tổ chức từ trung ương đến các cục, vụ, viện trường, viện, nghiên cứu đủ cả.

Ngành lao động phải có con mắt nhìn thực tế từ nhiều kênh chứ không phải chỉ bằng một kênh rồi ngồi đó tính toán trên giấy tờ. Tôi cho rằng tỷ lệ thất nghiệp 1,84% là lạc quan tếu.

Theo bản tin Cập nhật thị trường lao động số 3 năm 2014 được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố ngày 3/9, tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua. So với quý I/2014, nhóm người bị thất nghiệp không có chuyên môn kỹ thuật giảm 108.000; nhóm người bị thất nghiệp có trình độ cao đẳng giảm 17.100 và nhóm người bị thất nghiệp có trình độ đại học trở lên giảm 15.400 người.

                                                                                     Minh Minh

 

"